1. Đặc điểm sinh học và gây hại
Chuột là loại
động vật gặm nhấm, có hệ thần kinh, khứu giác và vị giác phát triển. Vòng đời của
chuột đồng từ 370 - 420 ngày. Chuột cái đẻ trung bình từ 3 - 4 lứa/năm, 8 - 10
con/lứa. Chuột cái sinh sản quanh năm, tập trung nhất vào tháng 3 - 10.
Chuột chủ yếu
hoạt động và gây hại vào ban đêm; trên ruộng, chuột phá hại vào bất cứ giai
đoạn nào của cây, nhưng mỗi cây trồng có giai đoạn chuột phá hại mạnh như mới
gieo hạt, cây lúa đòng - chín, củ, quả khi chín... Khi khan hiếm thức ăn, sức
phá của chuột tăng. Chuột thường gây hại mạnh tại những diện tích cây trồng gần
khu dân cư, bìa rừng, gò đống, bãi hoang...
2. Biện pháp quản lý chuột hại
2.1. Thời điểm diệt chuột hiệu quả
Khi đưa nước đổ
ải, làm đất, đây là thời điểm diệt chuột có kết quả cao vì trên đồng ruộng chưa
gieo cấy lúa hoặc ít cây trồng, chuột thiếu thức ăn và nơi trú ngụ thường tập
trung lên các bờ, gò cao để tránh nước. Thời điểm này nên sử dụng biện pháp hoá
học đồng loạt; Tập trung diệt chuột ở những nơi có mật độ chuột cao như bờ to,
gò đống, chân đê, khu công nghiệp, khu trang trại, nghĩa trang, bờ mương, bờ
máng…
Sau khi cấy
xong, giai đoạn này sử dụng các biện pháp thủ công, hoá học để diệt chuột,
trong đó chú trọng những nơi chuột bắt đầu gây hại.
Giai đoạn lúa
đứng cái đến làm đòng, giai đoạn này chủ yếu tập trung diệt chuột bằng các biện
pháp thủ công là chính.
2.2. Các biện pháp quản lý
chuột hại
Nguyên tắc cơ bản phòng, chống
chuột: Chủ động; đồng loạt; đúng thời điểm; đúng phương pháp (nhất là đặt bẫy,
bả); liên tục.
a) Biện pháp canh tác
Vệ sinh đồng
ruộng phát quang bờ bụi, nhất là các khu vực gò cao, đất hoang hóa, làm sạch cỏ
ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ để hạn chế nơi cư trú và sinh sản của
chuột.
Thời vụ: Xác
định thời vụ thích hợp và những vùng thường bị chuột hại nặng cần gieo trồng
tập trung và thu hoạch nhanh gọn nhằm cắt đứt nguồn thức ăn; đồng thời kết hợp
với tổ chức đánh chuột đồng loạt.
Nếu có thể, giữ
mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa làm đòng - trỗ để hạn chế chuột hại
hoặc làm tổ ven bờ.
b) Biện pháp thủ công
Sử dụng các
loại bẫy có độ nhậy cao như: bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy bán nguyệt, bẫy
ống tre, bẫy lật, bẫy di động... Đặt bẫy nơi cửa hang, cạnh hoặc vuông góc với
đường đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, nơi đặt bẫy chỉ để lộ mồi để tránh phát
hiện nhạy bén của chuột, nếu dùng bẫy mồi có thể đặt mồi vài ba ngày cho chúng
ăn quen rồi mới lắp bẫy; nên đặt bẫy mồi trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào
buổi sáng sớm hôm sau. Sau khi bắt được chuột, bẫy cơ học cần được xử lý bằng
nước sôi hoặc ngâm nước, phơi khô mới dùng lại vì chuột rất nhạy cảm với mùi
đồng loại.
Tìm kiếm các hang,
ổ của chuột để đào, đổ nước, hun khói, săn đuổi bắt chuột…
Các biện pháp
trên kết hợp với việc thu mua đuôi chuột nhằm khuyến khích cộng đồng diệt
chuột.
Chú ý: Không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa,
đường giao thông nội đồng và các công trình thuỷ lợi; tuyệt đối không sử dụng
điện để diệt chuột.
c) Biện pháp sinh học
Khuyến khích
nông dân nuôi mèo để diệt chuột. Nuôi và huấn luyện chó săn chuột nhằm giúp
nông dân phát hiện những hang có chuột.
Nghiêm cấm săn
bắt các loại động vật là thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo, chim cú
lợn...
d) Biện pháp hóa học
Nguyên
tắc: Sử dụng bả, thuốc trong
danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại
thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ dùng thuốc hóa học khi
chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn. Đọc kỹ hướng dẫn trước
khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều
lượng và đúng cách.
Có thể sử dụng
một số loại thuốc diệt chuột nhóm chống đông máu như: Antimice 3DP, Racumin
0,75TP, Cat 0,25 WP,... đây là thuốc không có mùi, không gây chết nhanh do tác
động chảy máu đường ruột nên không làm cho chuột hoảng sợ bả độc. Thuốc có thể
dùng để diệt chuột trong nhà.
+ Mồi làm bả: là thóc luộc nứt vỏ
trấu hoặc thóc mộng mạ, thường 1kg thóc khô luộc hoặc ủ mộng mạ sẽ được 1,2-1,5kg mồi.
+ Cách trộn bả: 01 gói thuốc trọng
lượng 10gam trộn với 0,5kg mồi (thóc đã luộc hoặc mộng mạ). Nếu làm bả với số
lượng lớn: Rải mỏng 5kg mồi trên nilon, bạt,… rắc 100gam thuốc rồi đảo đều. Để
tăng khả năng bám dính và tính dẫn dụ cứ 5kg mồi cho thêm vào 0,1lít dầu thực
vật và trộn đều.
+ Liều lượng sử dụng khi đánh đồng
loạt: Sử dụng trung bình 0,1-0,15 kg (tương đương 1-1,5 lạng) bả chia thành 5-7
phần cho 1 sào Bắc bộ (360m2). Lưu
ý:
Khi diệt chuột
bằng mồi, bả tỷ lệ trộn thuốc với mồi, lượng sử dụng trên đơn vị diện tích theo
hướng dẫn của từng loại bả, thuốc và được chia thành những phần nhỏ, đặt liên
tục trong 3-4 đêm, tập trung tại cửa hang, bờ đê, bờ mương lớn, gò đống, vườn
cây nơi chuột thường qua lại và không bị ngập nước, nơi chuột mới phá hại, đặt
cả ngoài đồng, quanh làng, trong nhà,… những nơi chuột phá hại mạnh cần đặt
tăng số lượng bả và lượng bả trong 1 mồi,…Nên đặt bả vào lúc xế chiều, kết thúc
trước khi trời tối, không đặt bả vào những ngày mưa sẽ làm giảm hiệu quả diệt
chuột.
Khi sử dụng bả,
thuốc phải có dụng cụ bảo hộ lao động; dùng muỗng để lấy bả, thuốc thay cho
dùng tay trần, hoặc bẫy sau khi bắt chuột cần được làm sạch mùi; các vật liệu
dùng để lót bả, thuốc đồng nhất với môi trường.
Trước khi đánh
bả độc cần thông báo rộng rãi cho người dân xung quanh vùng biết, cần phải nhốt
gia súc, gia cầm cho tới khi vệ sinh sạch sẽ nơi đặt mồi, thu nhặt chuột chết,
mồi thừa và chôn lấp để đảm bảo vệ sinh (cứ mỗi lớp chuột rắc một lớp vôi bột,
sau đó lấp đất kỹ).
Theo
trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện