KHÁI QUÁT ĐỊA LÝ, KINH TẾ- XÃ HỘI XÃ GIA PHÚ
Xã Gia Phú ở phía Tây huyện Gia Viễn,
phía Bắc giáp xã Liên Sơn, phía Đông và phía Nam giáp xã Gia Thịnh, phía Tây
giáp Sông Bôi làm gianh giới với các xã Đức Long, Gia Tường, Gia Thuỷ (thuộc
huyện Nho quan). Trước tháng 8 năm 1945, xã Gia Phú gồm 2 xã: Đoan Bình, Ngô Đồng
(thuộc tổng Liên Huy) và thôn Kính Chúc thuộc xã Uy Viễn (tổng Uy Viễn). Xã Ngô
Đồng gồm thôn Hạ (hay còn gọi thôn Làng), thôn Thượng (trước đây gọi Phúc Lâm
thôn) và thôn Đồi (trước đây gọi Đồi Lâm thôn).
Cuối năm 1945, thực hiện Kế hoạch của
Uỷ ban nhân dân (lâm thời) tỉnh Ninh Bình, các xã Ngô Đồng, Đoan Bình hợp nhất
thành xã Phượng Hoàng. Thôn Kính Chúc thuộc xã Hưng Quốc.
Thực hiện sắc lệnh của Chính phủ, kế
hoạch của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình và huyện Gia Viễn về hợp
nhất các xã nhỏ thành xã lớn, tháng 6 - 1949, bầu cử Hội đồng nhân dân và thành
lập xã Gia Thịnh, bao gồm 3 xã Phượng Hoàng, Liên Huy, Duy Tân. Thôn Kính Chúc
thuộc xã Gia Hưng. Tháng 10 năm 1953, xã Gia Thịnh chia tách thành 3 xã Gia Thịnh,
Gia Vượng và xã Gia Phú, sáp nhập thôn Kính Chúc vào xã Gia Phú. Từ đó đến nay,
xã Gia Phú gồm các thôn Kính Chúc, Ngô Đồng, Đoan Bình.
Hiện nay xã Gia Phú có diện tích
6,7km2, dân số 6180 người, mật độ dân số 922 người/km2 (số
liệu năm 2009), gồm 7 thôn, xóm: thôn Làng, thôn Đồi, thôn Thượng, thôn Đường
477, thôn Kính Chúc, xóm 5, xóm 6 Đoan Bình.
Địa hình Gia Phú trước đây là vùng
lòng chảo, vùng trũng do thường xuyên bị lũ sông Bôi làm sói mòn. Từ khi hệ thống
đê hoàn chỉnh, đất đai Gia Phú tương đối bằng phẳng, màu mỡ. Diện tích đất tự
nhiên xã Gia Phú là 667,1ha; đất canh tác 411ha. Trong đó đất giao trồng cây
hàng năm 755ha, đất cấy lúa cả năm 660ha, đất cấy lúa vụ đông xuân 365ha, vụ
mùa 269ha, (số liệu năm 2009). Gia Phú có Sông Bôi chảy qua, có đường giao
thông quan trọng ( Đường 12B nay còn gọi là đường 477), các đường giao thông
thôn xóm và hệ thống kênh, ngòi tạo thuận lợi trong giao thông sản xuất.
Do đất đai màu mỡ, nhân dân Gia Phú
chủ yếu làm nghề nông, ngoài cấy lúa trồng rau màu một số hộ dân thuộc Đoan
Bình trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải (vải nái).
Trước đây cam, quýt Đoan Bình nổi tiếng trong khu vực. Thôn Ngô Đồng có
hàng trăm hộ làm nghề mộc, nề, rèn.
Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến
thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội,
cán bộ và nhân dân Gia Phú phấn đấu từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đặc
biệt, trong 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2010), kinh tế
xã Gia Phú có sự phát triển tương đối toàn diện, đời sống nhân dân được nâng
cao.
Từ xưa đến nay, nhân dân Gia Phú cần
cù, siêng năng sáng tạo trong lao động; có truyền thống yêu nước, yêu quê hương
làng xóm; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động, trong đấu tranh chống thù trong
giặc ngoài.
Xã Gia Phú có nhiều Đình, Đền, Chùa, nhiều
di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, các thôn còn duy trì một số lễ hội, sinh hoạt
văn hoá thu hút mọi người tham gia. Các di tích, địa danh của Gia Phú gắn liền
những chiến công to lớn, vẻ vang của quê hương; là nơi diễn ra các sự kiện lịch
sử quan trọng, nơi tiêu diệt quân xâm lược như cầu Đế, quán ngói, Đình Ngô Đồng….
Dưới sự đô hộ của thực dân Pháp và
giai cấp phong kiến tay sai, mặc dù có nhiều thuận lợi về địa lý, thông thương,
buôn bán nhưng đời sống nhân dân Gia Phú vô cùng khổ cực. Chính quyền thực dân,
phong kiến không quan tâm đến nông nghiệp, không chăm lo đắp đê, làm thuỷ lợi.
Các địa chủ cấu kết với quan lại phong kiến, bọn chủ người pháp tìm cách chiếm
đoạt ruộng đất công và ruộng tư của người nghèo. Nhân dân còn phải chịu hàng
trăm thứ thuế của nhà nước thực dân, phong kiến, chịu nhiều khoản phụ thu, lao
dịch. Giai cấp địa chủ tìm mọi thủ đoạn để bóc lột nhân dân lao động bằng cách
phát canh thu tô, cho vay nặng lãi. Điều đó dẫn đến đời sống nhân dân vô cùng
đói khổ, lạc hậu.
Do ruộng đất không có, đời sống bần
cùng, lam lũ, nhiều nông dân phải đi phu, đi lính, đi làm thuê ở khắp nơi. Cuối
năm 1940, khi phát xít Nhật vào xâm chiếm nước ta, nhân dân ta phải chịu cảnh “một
cổ hai tròng”. Bọn đế quốc chỉ tìm cách vơ vét, khai thác tài nguyên, bóc lột sức
lao động rẻ mạt của nhân dân, sản xuất trì trệ, đê điều thường xuyên sạt lở, ngập
vỡ, ruộng đất hoang hoá nhiều, dẫn đến nạn đói diễn ra thường xuyên. Đặc biệt,
nạn đói trầm trọng cuối năm 1944 đầu năm 1945, xã Gia Phú có hàng trăm người chết
đói. Có hộ gia đình, chỉ trong mấy ngày chết không còn người nào, có nhà chết 2
đến 3 người.
Trước tháng 8/1945, đời sống văn hoá-
xã hội của nhân dân ta rất thấp kém, hơn 95% dân mù chữ. Cả xã chỉ có 3 lớp học
do các thày đồ dạy chữ Hán. Một số gia đình khá giả cho con em đi học ở các trường
Pháp mở. Làng xóm ẩm thấp, bệnh dịch thường xuyên hoành hành cướp đi mạng sống
của nhiều người, nhất là dịch bệnh tả, kiết lị, đậu mùa, bệnh lao…Ngoài ra, thực
dân pháp thực hiện chính sách nô dịch, ngu dân vể văn hoá. Các tệ nạn mại dâm,
hút thuốc phiện, mê tín, cờ bạc xuất hiện và diễn ra ngày càng trầm trọng. Nhà
nước bảo hộ thực hiện chính sách độc quyền xiết chặt quản lý thị trường, nhưng
lại bắt dân ta sử dụng hàng hoá của chúng, nhất là rượu.
Bị áp bức bóc lột, qua các thời ký,
nhân dân Gia Phú anh dũng đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống phong kiến thực
dân. Theo các văn bia, truyền thuyết còn lưu lại, thế kỷ thứ X, nhân dân các
làng Ngô Đồng, Đoan Bình, Kính Chúc đã tích cực tham gia sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh
tại căn cứ Thung Lau (xã Gia Hưng ngày nay).
Đã từ lâu, nhân dân Gia Phú có truyền
thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, thế kỷ XIII, khi vua, tôi nhà Trần lui về
vùng Trường Yên xây dựng căn cứ chuẩn bị kháng chiến, một số người dân tích cực
tham gia chống quân nguyên xâm lược. Tết năm kỷ dậu (1789) Vua Quang Trung
(Nguyễn Huệ) ra Bắc, một đạo quân của Vua theo đường phía Tây huyện Gia Viễn
(nay gọi đường 59), qua Chi Nê, tiến đánh hướng Tây thành Thăng Long; nhân dân
Gia Phú tích cực gia nhập nghĩa quân, tiêu diệt quân xâm lược nhà Thanh.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực
dân pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Phạm Văn Nghị, Nguyễn Xuân Giá, Trần
Chí Thiện, Phan Nhân Lý, Vũ Hữu Lợi, Đinh Công Tráng trên địa bàn Tây Bắc huyện
Gia Viễn, nhiều nghĩa sỹ Gia Phú đã hăng hái tham gia.
Là vùng đất cửa ngõ phía Tây của huyện
Gia Viễn, vùng giáp gianh giữa đồng bằng Ninh Bình và rừng núi Nho Quan, Hoà
Bình, nơi diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh, nhân dân Gia
Phú phát huy truyền thống yêu nước, giúp đỡ nhau vượt khó khăn thử thách, đoàn
kết chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột. Đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời, lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, nhân dân Gia Phú hăng hái tham
gia các phong trào do Đảng tổ chức và lãnh đạo giành độc lập tự do, xây dựng chế
độ xã hội mới dân chủ, nhân dân.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Gia Phú (1947- 2010)