Bài Tuyên truyền: Bảo đảm ATTP dịp Tết trung thu
14/09/2023
Tết Trung thu đang đến gần.
Nhu cầu thực phẩm trong dịp này như: rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,
sữa chế biến, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột... nhất là bánh Trung thu
(bánh nướng, bánh dẻo) của người dân đang tăng cao. Đây cũng là cơ hội để hàng
giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được dịp trà
trộn bày bán, đánh lừa người tiêu dùng. Đây được coi là một trong những tác
nhân gây ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm
Để bảo đảm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như
bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ
quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng
ở tất cả các khâu: sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nói chung và những
loại thực phẩm phục vụ dịp Trung thu nói riêng. Xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương
tiện thông tin đại chúng; nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan chức
năng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực
phẩm phục vụ Tết Trung thu cần thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan quản
lý, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc bảo đảm ATTP. Tuyệt đối không
làm ăn “gian dối” nhằm thu lợi bất chính. Thực tế hiện nay, để làm ra chiếc
bánh nướng, bánh dẻo, các cơ sở sản xuất phải cần rất nhiều nguyên liệu và mỗi
loại nguyên liệu đều có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm hóa chất
độc hại khác nhau. Bên cạnh những cơ sở có uy tín, sản xuất quy mô lớn thì việc
sản xuất bánh Trung thu vẫn được thực hiện ở những cơ sở nhỏ, lẻ, không đủ điều
kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến… là một mối nguy hại rất lớn đối
với sức khỏe người tiêu dùng
Trong bối cảnh đó, các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý
đã nhiều lần khuyến cáo, mỗi người dân cần trở thành “người tiêu dùng thông
thái”. Khi mua các loại bánh nướng, bánh dẻo và các sản phẩm thực phẩm khác
trên thị trường cần lưu ý sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng,
có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.
Sản phẩm được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy
tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy
định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Đồng thời, thông báo với các
cơ quan có trách nhiệm khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo
đảm vệ sinh ATTP, để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; … Mỗi người
dân không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm nhiều đạm, mỡ, đường
trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những
bất thường về sức khỏe do ăn uống, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất
để được tư vấn, trợ giúp kịp thời
Như vậy, việc bảo đảm ATTP nói chung và các loại thực phẩm
phục vụ Tết Trung thu nói riêng rất cần sự tham gia của cả cộng đồng. Trong đó,
có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong
thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm; các nhà sản xuất, kinh
doanh thực phẩm nêu cao trách nhiệm, lương tâm trong sản xuất, kinh doanh;
người tiêu dùng nâng cao ý thức, kiến thức trong quá trình mua, lựa chọn, bảo
quản và sử dụng thực phẩm đúng cách.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
là góp phần đảm bảo sức khỏe người dân!