THÔNG BÁO Tình hình sâu cuốn lá nhỏ; sâu đục thân lúa hai chấm và bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Mùa năm 2024
Đến nay trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn phân hóa
đòng đến ôm đòng, trà mùa trung, mùa muộn bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh rộ. Nhìn
chung trên phạm vi toàn tỉnh lúa sinh trưởng và phát triển tốt do được chăm sóc
và phòng chống sinh vật gây hại kịp thời. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình
hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh
và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa, Cụ thể:
1. Sâu cuốn lá nhỏ: hiện tại bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang ra rộ
và tiếp tục ra rộ đến ngày 5/8, mật độ nơi cao 3-5 con/m2; á biệt
trên 10 con/m2. Sâu non sẽ nở rộ từ ngày 2/8-11/8, gây hại trên các
trà lúa. Đặc biệt hại trên trà mùa sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm
đòng và trà lúa mùa trung diện xanh tốt. Mật độ phổ biến: 15-20 con/m2;
nơi cao: 30-50 con/m2; cá biệt trên 100 con/m2 (huyện Nho
Quan, Yên Mô, Yên Khánh,…). Quy mô gây hại cao hơn cùng lứa vụ Mùa 2023.
Nếu không phát hiện và phun trừ kịp
thời nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng lá ảnh hưởng lớn đến năng suất
lúa.
2. Sâu đục
thân lúa hai chấm: bướm sâu đục thân lúa hai chấm lứa 4 đang ra rộ và tiếp
tục ra rộ đến ngày 15/8, mật độ nơi cao: 0,03-0,05 con/m2; cá biệt:
0,1-0,3 con/m2. Trứng xuất hiện rải rác, nơi cao: 0,3-0,5 ổ/m2;
cá biệt trên 1 ổ/m2 (huyện Nho Quan, Yên Mô,…). Sâu non sẽ nở rộ từ
ngày 5/8-22/8, gây hại trên trà lúa mùa sớm ở giai đoạn trỗ bông. Tỷ lệ hại nơi
cao: 5-10%; cá biệt trên 20% đòng héo, bông bạc. Quy mô, mức độ hại cao hơn so
với vụ Mùa 2023. Nếu không phòng chống kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến
năng suất lúa.
3. Bệnh lùn
sọc đen: qua kết quả giám định mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa ở các huyện: Kim
sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư, Nho Quan với số mẫu giám định là 368 mẫu (352
mẫu rầy và 16 mẫu lúa). Kết quả có 10/16 mẫu lúa và 4/352 mẫu rầy dương tính
với virus lùn sọc đen. Các địa phương có mẫu dương tính với virus lùn sọc đen
là: xã Lai Thành (huyện Kim Sơn), xã Yên Nhân (huyện Yên Mô). Trong thời gian
tới, mật độ rầy lưng trắng mang virus tiếp tục tăng trên các trà lúa kết hợp
với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, nguy cơ gây hại của bệnh lùn sọc đen ở
vụ Mùa là rất lớn, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, sẽ ảnh hưởng
lớn đến năng suất lúa. Ngoài ra, chuột, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng
trắng tiếp tục hại tăng trên các trà lúa, lúa cỏ gây hại cục bộ. Để đảm bảo sản xuất vụ Mùa 2024 giành thắng
lợi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị:
- Làm tốt công tác điều tiết
nước, đảm bảo đủ nước, tập trung chăm sóc để lúa đẻ nhánh sinh trưởng phát
triển tốt, bón lượng phân Kali còn lại cho trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn
phân hoá đòng tạo điều kiện cho cây lúa khoẻ tăng khả năng chống chịu với các
đối tượng dịch hại, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.
- Tăng cường kiểm tra đồng
ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến
các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới
ngưỡng. Cụ thể:
+ Đối với sâu
cuốn lá nhỏ lứa 5: phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu 20 con/m2 đối với
trà mùa sớm và
50 con/m2 đối với trà mùa trung khi sâu non tuổi 2 rộ, thời gian
phun trừ từ ngày 5/8-12/8 bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Incipio200SC; Clever 150SC;
300WG; Director 70EC; Virtako40WG;
Voliam Targo063SC;
Silsau Super 3.5EC; Dylan 2EC...
+ Đối với sâu
đục thân lúa hai chấm lứa 4: phun trừ trên những diện tích có mật độ ổ trứng
≥ 0,3 ổ/m2 khi sâu non tuổi 1 nở rộ, thời gian phun trừ từ ngày 05/8
trở đi khi lúa mùa sớm thấp tho trỗ. Những ruộng có mật độ ổ trứng ≥ 1 ổ/m2
phải phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc
đặc hiệu: Prevathon
5SC; Voliam Targo
063SC, Virtako
40WG...
+ Đối với
bệnh lùn sọc đen: tổ chức phun trừ rầy
tại các vùng có mẫu rầy dương
tính. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 1529/KH-SNN ngày 11/6/2024 Kế hoạch
phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa Mùa năm 2024. Ngoài ra kết hợp phòng trừ bệnh khô vằn, tiếp tục
diệt trừ chuột bằng các biện pháp theo kế hoạch.
Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh
Ninh Bình