HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC, CHĂM SÓC LÚA, HOA MÀU SAU NGẬP ÚNG

Trước tình hình ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 02 gây ra mưa lớn nhiều ngày vừa qua làm phần lớn diện tích lúa và cây mầu trên địa bàn huyện bị ngập úng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn một số biện pháp khắc phục và chăm sóc lúa, hoa màu sau ngập úng như sau: 

1. Đối với lúa

- Phân loại diện tích bị ngập úng, ưu tiên cho những diện tích lúa mới cấy, gieo thẳng muộn, những chân ruộng trũng. Huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy như mương máng, sông ngòi, sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh.

* Đối với lúa cấy:

- Đối với những diện tích lúa cấy sớm ít chịu ảnh hưởng ngập úng người dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chăm bón để cây lúa đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển thuận lợi. 

- Đối với diện tích chưa cấy: Rút nước, tập trung làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu gieo cấy xong trong tháng 7/2024 để kịp khung thời vụ.

- Những diện tích lúa bị ngập có khả năng phục hồi: Khi rút nước có thể dùng cành cây kéo lướt nhẹ trên mặt ruộng hoặc té nước để làm sạch bám bẩn, rong rêu trên lá làm tăng khả năng quang hợp và hạn chế bị nghiêng, gãy gập cây; sử dụng mạ thừa, mạ dự phòng dặm tỉa bổ sung đảm bảo mật độ, tuyệt đối không bón ngay phân đạm hoặc các loại phân bón có hàm lượng đạm; sau 2-3 ngày bón bổ sung 5-7 kg super lân/sào để kích thích sự phát triển của bộ rễ, giúp cây nhanh hồi phục; khi cây ra lá mới bón bổ sung 2-3 kg phân đạm Ure/sào; đồng thời theo dõi chặt chẽ và phòng trừ kịp thời ốc bươu vàng, chuột hại. 

* Đối với lúa gieo thẳng: 

- Trên những diện tích lúa đã đạt 1 - 2 lá, sau mưa cần chủ động tháo kiệt nước, không để đọng vũng nước trên luống. Diện tích lúa được trên 2 lá, tháo rút nước và giữ mực nước nông 2 - 3 cm và xử lý như với lúa cấy. Với diện tích mới gieo, cần tiến hành rút cạn nước trên mặt luống ngay, chủ động mộng mạ để gieo bổ sung trên những diện tích bị ngập lâu ngày không có khả năng hồi phục.

- Khi cây lúa ra rễ trắng, hồi phục trở lại những ruộng chưa bón thúc cần khẩn trương bón ngay giúp cây lúa có đủ chất dinh dưỡng để phát triển, đẻ nhánh tốt. Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cao tương đương. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm né tránh sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

- Đối với những diện tích lúa mới gieo bị dồn, trôi mộng mạ hoặc những diện tích lúa mới cấy bị ngập úng không có khả năng phục hồi, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các giống ngắn ngày như: Khang dân 18, Bắc thơm số 7, QR1… để gieo cấy lại. Do điều kiện dự kiến thời tiết tiếp tục có mưa, các địa  phương hạn chế sử dụng phương thức gieo thẳng, chú trọng sử dụng phương thức gieo mạ nền để cấy, phấn đầu gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch.

 2. Đối với các loại cây màu (cà chua, bí, rau các loại...)

- Khẩn trương tháo nước nhanh, khơi thông các dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.

- Chủ động xới phá váng, chăm sóc, bón phân cho cây màu ngay khi thời tiết thuận lợi giúp cây hồi phục, sinh trưởng, phát triển tốt; chú ý bón bổ sung thêm phân hữu cơ hoai mục, siêu lân và kali.

- Những diện tích hoa màu đã có thể thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch nhanh gọn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng gây ra.

                                                                                                                 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Viễn

 

 

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập