HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CHĂM SÓC LÚA MÙA 2022

Hiện nay, trà mùa trung đang hồi xanh - đẻ nhánh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung, đạt năng suất, chất lượng cao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa sau cấy như sau: 

1. Điều tiết nước

 1.1. Đối với lúa cấy: Cần tiếp tục duy trì lớp nước trên mặt ruộng từ 2 - 3 cm giúp lúa nhanh bén rễ, hồi xanh. Kiểm tra, dặm tỉa kịp thời để đảm bảo mật độ, khi lúa đã bén rễ hồi xanh, vươn lá mới và ra rễ trắng thì tiến hành bón thúc đầy đủ, cân đối, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng tốt.

1.2. Đối với lúa gieo thẳng:

- Sau gieo cần giữ ẩm mặt ruộng trong vòng 5 - 7 ngày (tức là mặt ruộng ẩm, rãnh luôn có nước) để lúa nhanh mọc, rễ khỏe, tăng hiệu quả của thuốc trừ cỏ và tránh ảnh hưởng đến cây mạ khi thời tiết gặp nắng nóng.

 - Nếu gieo xong gặp mưa to thì cần đắp bờ giữ nước, khi tạnh mưa thì tháo nước ra từ từ để tránh trôi dạt mộng.

- Khi trời nắng nóng tuyệt đối không đưa nước vào và giữ nước quá sớm vì nước nóng rất dễ bị thối mộng và ốc bươu vàng theo nước vào phá hại. Trường hợp mặt ruộng quá khô có thể đưa nước tràn ruộng rồi lại tháo đi ngay.

2. Phân bón

Bón phân đúng thời điểm, thực hiện phương châm nặng đầu, nhẹ cuối, không nên bón đạm muộn làm cây phát triển quá mạnh về thân lá giai đoạn sau. Khi bón phân nên kết hợp với sục bùn để hạn chế cỏ dại và tăng khả năng hấp thụ phân bón.Lượng phân bón và các giai đoạn bón tùy từng chân đất có thể sử dụng:

2.1. Đối với lúa cấy:

 + Bón thúc lần 1: khi lúa bén rễ hồi xanh: sau cấy 5 - 7 ngày với lượng 3 - 4 kg đạm + 2 kg kali, kết hợp làm cỏ, dặm tỉa để đảm bảo mật độ.

 + Bón thúc lần 2: khi lúa phân hóa đòng bước 3: bón 3 kg Kali, với những ruộng lúa sinh trưởng phát triển kém có thể bón bổ sung 1 - 1,5kg đạm để lúa nhanh phục hồi.

 2.2. Đối với lúa gieo thẳng

 + Khi lúa gieo thẳng đạt 2 - 2,5 lá đưa nước vào láng mặt ruộng và bón nhử 2 kg đạm + 1kg kali;

+ Khi lúa được 5 - 6 lá tiến hành bón thúc: 2 - 3 kg đạm + 2kg Kali kết hợp dặm tỉa định mật độ;

+ Khi lúa phân hóa đòng bước 3 tiến hành bón 3 kg Kali, trên những ruộng nếu lá lúa có biểu hiện vàng thì bón thêm 1kg đạm.

* Chú ý:

- Nên sử dụng phân NPK chuyên dùng bón thúc cho lúa, bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất có ghi trên bao bì.

 - Bảo vệ những diện tích mạ còn dư thừa sau khi cấy để khi điệu kiện bất thuận gây chết lúa thì vẫn có đủ mạ cùng giống cùng trà để rặm tỉa.

- Bón thúc phân sớm để lúa đẻ nhánh tập trung.

3. Cách phòng trừ các sâu bệnh hại

 - Do điều kiện thời tiết vụ Mùa có mưa nhiều và nắng nóng xen kẽ, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh, phát triển và gây hại trên lúa.

- Phòng trừ chuột hại và ốc bươu vàng là hai đối tượng gây hại quan trọng ở đầu vụ, đặc biệt là đối với lúa gieo thẳng. Đồng thời cần theo dõi sát một số đối tượng gây hại chính như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá…

 - Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bám sát dự tính, dự báo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để phòng trừ kịp thời có hiệu quả những đối tượng gây hại.

                                                                                                                              Theo Trung tâm DV NN huyện 

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập