Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại ở động vật
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 trường hợp người tử vong
do bệnh Dại và trong 3 tháng đầu năm 2023, có 25 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh
Dại và thêm 23 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Tại tỉnh Ninh Bình, từ năm 2019
đến nay, không ghi nhận các trường hợp người tử vong nghi bị chó dại cắn, tuy
nhiên nguy cơ phát sinh bệnh dại trên động vật là rất cao do thói quen tiêu thụ
thịt chó, mèo; công tác quản lý, lập sổ theo dõi chó, mèo nuôi còn chưa chặt
chẽ; tình trạng thả rông chó, mèo không rọ mõm còn phổ biến.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh
Dại. Để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, giảm thiểu nguy cơ phơi
nhiễm do bị chó nghi dại cắn. Qua đó UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở,
ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung
sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc,
quyết liệt, hiệu quả các Văn bản chỉ đạo của các Cơ quan Trung ương và UBND
tỉnh, như: Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc
tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại; Chỉ thị số
5804/CT-BNN-TY ngày 06/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh
Dại ở động vật; Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 25/01/2022 của UBND tỉnh về phòng,
chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 -2030.
Đối với UBND các huyện, thành phố tăng
cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là
qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với
sức khỏe, tính mạng con người; nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối
với cộng đồng để tích cực tham gia, tuân thủ quy định phòng, chống bệnh Dại và
quản lý chó, mèo nuôi; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính
quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cấp xã, thôn, xóm.
Chấn chỉnh những tồn tại, bất cập
trong công tác quản lý đàn chó nuôi; rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó
ở từng khu vực dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ
gia đình bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo, gửi số liệu về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 25/5/2023 để cập nhật trên hệ
thống thông tin trực tuyến; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm
việc khai báo, đăng ký chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó và các quy định
về việc quản lý chó nuôi.
Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa
phương để quyết định thành lập đội bắt, xử lý chó, mèo thả rông, không đeo rọ
mõm, nghi mắc bệnh dại, đặc biệt tại các khu vực có mật độ dân cư cao, khu vực
du lịch, dịch vụ phát triển và có biện pháp xử lý, cưỡng chế theo quy định tại
Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị
định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực thú y.
Triển khai, đẩy nhanh tiến độ mua
vắc xin, hóa chất để tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023 (đã
được cấp bổ sung kinh phí tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 31/3/2023 của UBND
tỉnh). Trong đó, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ
từ 70% trở lên trong giai đoạn 2023-2025, đồng thời thường xuyên rà soát, tiêm
phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng, nâng cao tỷ lệ tiêm
phòng, đảm bảo tỷ lệ bảo hộ, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục
tham mưu, triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 22/12/2022 của
UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023. Phối
hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng
cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng
về sự nguy hiểm của bệnh Dại đối với sức khỏe, tính mạng của con người. Nêu cao
tinh thần trách nhiệm của chủ nuôi chó trong việc tuân thủ, hợp tác với cán bộ
thú y trong quá trình quản lý chó nuôi, đặc biệt là việc tiêm phòng vắc xin
phòng bệnh Dại.
Sở Y tế tăng cường công tác thông tin, phối
hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác truyền thông học đường tại
các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh về đặc điểm của bệnh Dại
và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người; yêu cầu người bị chó, mèo
cắn phải đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị dự phòng, không sử
dụng thuốc đông y, thuốc nam, các loại thuốc chưa được cấp phép lưu hành để
điều trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật duy trì phối hợp
với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để thông báo, chia sẻ kịp thời
thông tin về bệnh Dại trên người cho cơ quan thú y địa phương để giám sát,
phòng chống bệnh Dại trên động vật.
Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát
bệnh tật - Sở Y tế trong việc cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh, điều tra
nguyên nhân và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn
thể, các Sở, ban, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ động phối
hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường
triển khai các chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhằm
nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của
người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh Dại tại cộng đồng và
quản lý đàn chó nuôi.
Theo Công văn số 187/UBND-VP3